Chào các bạn, chắc hẳn có nhiều bạn đang băn khoăn trong việc lựa chọn một máy in 3D để đồng hành trong công việc chế tạo, DIY hay tạo mẫu, nhất là các bạn mới nhập môn. Bài viết này sẽ giúp các bạn dễ dàng hơn trong việc cân nhắc chọn cho mình một em máy in ưng ý và phù hợp nhất cho các bạn.

Trong máy in 3D tôi sẽ phân ra các bộ phận đơn giản như này cho các bạn có cái nhìn tổng quát:

– Khung máy: bao gồm khung cơ khí và phần vỏ bên ngoài

– Đầu in: nơi cấp nhựa và phun ra khi in.

– Bàn in: Dùng để chứa mẫu in, kích thước sẽ quyết định khổ máy.

– Giao tiếp: kết nối máy tính, màn hình cảm ứng, SD card, Wifi.

1. Ngân sách

Chắc chắn ngân sách là cái đầu tiên bạn phải cân nhắc, vì nó sẽ ảnh hưởng đến nhiều yếu tố chất lượng, cũng như tính năng. Sẽ có các mốc cơ bản mình phân ra cho các bạn dễ tìm đúng loại máy mình cần.

– Mốc dưới 10 triệu đồng: Mốc này bạn sẽ tìm được các loại máy cơ bản nhất, khổ trung bình tầm 300x300mm đổ lại, linh kiện ở mức chấp nhận, không quá tốt. Máy thường là máy trần (tức không có vỏ bên ngoài). Khung cơ khí ở mức chấp nhận, hầu như chỉ in được nhựa PLA, TPU. Giao tiếp hầu như là SD card, phần mềm sẽ là phần mềm open source, free… Tuy nhiên , vẫn có đủ tính năng cần thiết, có thể có hoặc không có bàn nhiệt.

– Mốc từ 10 đến 30 triệu đồng: Với mốc này bạn sẽ có khổ máy lớn hơn khoảng 600x600mm đổ lại, máy có thể một số model sẽ có vỏ bên ngoài, linh kiện tốt hơn, bộ khung cơ khí sẽ cứng vững hơn. Nếu máy nhỏ sẽ có vỏ kín nên sẽ in được nhựa ABS. Giao tiếp bằng USB, kết nối wifi. Phần mềm được viết theo hãng máy.

– Mốc trên 30 triệu: Có thể gọi là các dòng máy công nghiệp, khổ máy lớn. Chất lượng linh kiện tốt, đầy đủ tính năng giao tiếp, In tốt các loại nhựa đang có mặt trên thị trường. Phần mềm được viết lại toàn bộ theo hãng máy. Linh kiện hầu như được hãng máy tự sản xuất hoặc đặt OEM theo yêu cầu. Tùy từng hãng và model mà chất lượng sẽ thay đổi. Bạn sẽ phải xem xét tiếp các yếu tố bên dưới.

2. Loại vật liệu in

Đối với nhựa PLA là vật liệu cơ bản nhất, hầu như máy nào cũng in được. Loại này thì có bản nhiệt hay không cũng không quan trọng. Có bàn nhiệt thì phần đáy tiếp xúc bàn sẽ đẹp hơn là dán keo.

Nhựa ABS bạn phải tìm máy có lồng kín để đảm bảo không thoát nhiệt, nhiệt độ đầu phun cao trên 250 độ, nhiệt độ bàn in tầm 110 hoặc hơn. Nếu không mẫu in sẽ bị co rút, cong vênh khi in, gây ra hư hỏng. Điểm nữa là nhựa ABS có mùi rất độc hại, khi in nên có lồng kín và lọc mùi. Các máy in có lồng kín thường sẽ có phần này.

Đối với nhựa dẻo TPU, bạn phải chọn cho mình loại đầu phun cấp nhựa là Direct, tránh mua loại bowden. Có thể hiểu cơ bản là bộ đùn cấp nhựa nằm trong đầu in hay bên ngoài đầu in. Hầu hết trường hợp bộ đùn Direct vẫn ưu điểm nhiều hơn bowden. Bạn nên chọn loại này.

3. Khổ máy in

Sản phẩm lớn thì chọn máy lớn, chuyện không phải bàn cãi, tuy nhiên bạn hãy nhìn vào các điểm sau:

Máy in lớn thì thời gian in sẽ lâu hơn, rủi ro bị hư hỏng sẽ nhiều hơn (cúp điện… ) Có thể thay vì một máy lớn bạn mua 2 máy nhỏ sẽ cho tốc độ in gấp đôi. Đương nhiên, mẫu lớn phải cho phép cắt nhỏ ra và ghép lại sau.

Máy càng lớn việc cân chỉnh càng phức tạp và khó khăn hơn. Thông thường khổ từ 300mm đổ về là dễ sử dụng nhất.

4. Chọn hãng máy

Hãy xem xét nhiều hãng khác nhau về chính sách, chất lượng cũng như khâu hậu mãi. Tốt nhất khi đi mua, bạn hãy đem sản phẩm cần in đến và in trực tiếp trên máy mình cần mua. Kết quả ưng ý thì lấy máy về và chiến thôi. Tránh mua online nếu như bạn chưa thực sự sử dụng qua dòng máy đó. Như vậy rủi ro khá cao. Trừ phi các dòng máy quá nổi tiếng với cộng đồng sử dụng thì bạn có thể yên tâm về chất lượng.

Bài viết liên quan